Việt Nam sẽ tự sản xuất vắc xin dại và cúm

Sắp tới, Việt Nam sẽ tự sản xuất vắc xin dại và cúm theo công nghệ hiện đại nhất do Anh chuyển giao.

Ngày 27/11, TS Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) trực thuộc Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đã được các nhà khoa học về vắc xin từ Đại học Bristol (Anh) chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất vắc xin hiện đại nhất thế giới.

Hai loại vắc xin được chuyển giao công nghệ mới để nghiên cứu và sản xuất là vắc xin dại và cúm.

Theo ông Đạt, nhu cầu sử dụng vắc xin dại ở Việt Nam rất lớn. Trước đây, Việt Nam đã sản xuất vắc xin dại từ chuột, song đã ngừng do có những phản ứng mất an toàn. Hiện, 100% lượng vắc xin dại đều phải nhập khẩu từ Pháp, Ấn Độ với giá thành đắt đỏ từ 300.000 đến 400.000 đồng một liều.

“Nếu Việt Nam chủ động trong việc sản xuất vắcxin dại bằng công nghệ cao, người dân sẽ được sử dụng vắc xin chất lượng tốt với giá thành rẻ bằng một nửa hiện tại. Với công nghệ mới, thời gian nghiên cứu, sản xuất vắc xin được rút ngắn còn khoảng 3 năm thay vì 5-10 năm như trước đây”, ông Đạt nói.

Công nghệ sản xuất vắc xin dại và cúm được chuyển giao cho phép tổng hợp gen để tạo ra thành phẩm vắc xin trong thời gian rất ngắn. Trong khi đó, đối với những loại vắc xin truyền thống, việc sản xuất phải dựa trên quá trình phân lập chủng virus, sau đó nuôi cấy trong thời gian dài.

Giáo sư Imre Berger – Đại học Bristol, khẳng định, hiện công nghệ trên đang được hơn 1.000 phòng thí nghiệm và hầu hết các hãng vắc xin lớn ứng dụng.

Việt Nam hiện là 1 trong 42 quốc gia sản xuất được vắc-xin phòng bệnh trên người và có thể tự túc được hầu hết vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Vabiotech là nhà sản xuất vắc xin hàng đầu tại Việt Nam, trực thuộc Bộ Y tế, Công ty đang sản xuất và kinh doanh 4 sản phẩm vắc-xin chính gồm vắc-xin viêm gan A, viêm gan B, viêm não Nhật Bản và vắc-xin tả (dạng uống). Các vắc xin của Vabiotech được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và xuất khẩu.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng bệnh. Hiện Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc xin phòng bệnh lao, sởi, Rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-Rubella…, trong đó 8 vắc xin được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Hiện Việt Nam là một trong 42 nước có thể tự sản xuất vắc xin phòng bệnh, đồng thời là một trong 39 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là Cơ quan quản lý vắc xin đạt chuẩn quốc tế.

Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất vắc xin phối hợp 5 trong 1 và 6 trong 1.

Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được 12 loại vắc xin và đến năm 2030 sẽ sản xuất được 14 loại để sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và phục vụ xuất khẩu.

viet nam se tu san xuat vac xin dai va cum 64a5f9

Do chưa sản xuất được vắc xin dại, Việt Nam đang phải nhập khẩu vắc xin của Pháp, Ấn Độ với giá thành khá cao. Vắc xin Verorab là vắc xin của Pháp

T.Thư

Theo vietnamnet

Bộ Y tế “gỡ rối” trong đấu thầu cung ứng vắc xin

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế về thực hiện quy định về đấu thầu cung ứng vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng.

Thời gian vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhận được báo cáo của một số Sở Y tế về việc khó khăn trong cung ứng vắc xin liên quan đến quy định về đấu thầu, trong đó có vắc xin phòng dại.

Liên quan đến nội dung này, Cục Quản lý Dược cho biết, về nguyên tắc việc các cơ sở y tế công lập có nhu cầu mua vắc xin đế phục vụ công tác tiêm chủng dịch vụ thì khi xây dựng kế hoạch và tố chức lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ theo các quy định về đấu thầu thuốc tại Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 (trước ngày 01/10/2019), Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 (từ ngày 01/10/2019) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Để khắc phục việc gián đoạn trong cung ứng vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng dịch vụ, Cục Quản lý Dược đề nghị Lãnh đạo đơn vị, Hội đồng thuôc và điều trị, các Tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu của đơn vị cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch (công tác dự báo, lập dự trù) bảo đảm sát với nhu cầu sử dụng, tránh tình trạng một số cơ sở dự trù quá ít dẫn đến thiếu, cơ sở thì dự trù quá nhiều gây khó khăn cho các nhà thầu trong việc cung ứng.

bo y te go roi trong dau thau cung ung vac xin d62016

Các đơn vị thực hiện quy định về đấu thầu trong cung ứng văc xin phục vụ công tác tiêm chủng. Ảnh minh họa.

Trường hợp nhu cầu phát sinh đột biến hoặc không lựa chọn được nhà thầu cung ứng thông qua đấu thầu rộng rãi dẫn đến nguy cơ thiếu vắc xin thì cơ sở y tế phải báo cáo cấp có thẩm quyền và thực hiện ngay việc lựa chọn nhà thầu bổ sung để bảo đảm đủ vắc xin phục vụ nhân dân. Tùy theo tình hình thực tế, cơ sở y tế có thể lựa chọn các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp như: chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh… để tổ chức mua săm kịp thời, đúng quy định.

Về việc không lựa chọn được nhà thầu do giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch: Theo quy định Thông tư số 11/2016/TT-BYT và Thông tư số 15/2019/TT-BYT thì việc xây dựng giá kế hoạch là căn cứ vào kết quả trúng thầu trong vòng 12 tháng công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược. Tuy nhiên, trường hợp vắc xin có điều chỉnh tăng giá hơn so với kết quả trúng thầu đã công bố thì chủ đầu tư vẫn có thể căn cứ báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các doanh nghiệp để xây dựng giá kế hoạch cho phù hợp với thực tế (Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2016/TT-BYT hoặc Khoản 4 Điều 14 Thông tư số 15/2019/TT-BYT).

Trường hợp giá dự thầu của tất cả các nhà thầu tham dự đều vượt giá kế hoạch được phê duyệt thì chủ đầu tư vẫn có thể xử lý tình huống (Khoản 1 Điều 35 Thông tư số 11/2016/TT-BYT hoặc Khoản 3 Điều 32 Thông tư số 15/2019/TT-BYT) để lựa chọn được vắc xin phục vụ nhân dân.

Cục Quản lý Dược đề nghị các Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh nghiên cứu kỹ các văn bán hướng dẫn việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập để áp dụng triển khai trong thực tiễn.

D.Hải

Theo SK&ĐS

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *